1. Về tài khoản đăng tin tuyển dụng
– Đối với các tin tuyển dụng mang tính lừa đảo, thông thường thông tin “người tuyển dụng” sẽ mập mờ, không đồng nhất.
– Nhiều đối tượng lừa đảo chọn cách mạo danh đại diện cho một, một vài sàn thương mại điện tử hoặc một số nhãn hiệu nổi tiếng trên thị trường với logo, số điện thoại, địa chỉ được sao chép gần như y hệt, khiến cho nạn nhân tin rằng đây là những thông tin tuyển dụng chính thống.
– Nhà tuyển dụng lừa đảo có thể sử dụng tài khoản cá nhân để đăng tin tuyển dụng trên các hội nhóm việc làm.
Đặc điểm chung đối với các tài khoản này đó là thường quay những video hoặc đăng tải những hình ảnh thể hiện sự giàu có như khoe tiền, check-in ở khách sạn, nhà hàng sang trọng hay mua sắm những món đồ hiệu đắt tiền nhằm tạo niềm tin nơi nạn nhân mà còn thúc đẩy được ham muốn làm giàu của các nạn nhân.
2. Hình thức tuyển dụng “việc nhẹ lương cao”
– Các bài đăng tin tuyển dụng lừa đảo thường đặt dưới các tiêu đề như: “tuyển cộng tác viên cho Shopee, Tiki, Lazada, Sendo”; “tuyển cộng tác viên tạo tương tác cho dự án hợp tác giữa Shopee với các chủ gian hàng”, “Làm việc tại nhà với mức lương lên đến 500-700k/ngày”; “kiếm 10-20 triệu đồng/tuần không hề khó”;…
– Bài đăng có hình thức sơ sài, không chuẩn theo form mẫu văn phòng, từ ngữ sử dụng không trang trọng, sai chính tả.
– Độ dài tin tuyển dụng thường rất ngắn.
– Ngoài ra, các bài tuyển dụng thường đánh vào tâm lý người xem bằng cụm từ “việc nhẹ lương cao”.
3. Mức lương, hoa hồng rất cao
– Các bài đăng tuyển dụng lừa đảo thường mô tả công việc rất tốt, công việc nhẹ nhàng, có thể làm việc tại nhà;
– Mức lương nhận được hoặc mức hoa hồng thường rất cao, tùy theo doanh số người đó làm được.
Mức lương có thể dao động từ vài chục triệu đến vài trăm triệu trong một tháng hoặc hoa hồng của một lần tạo và thanh toán đơn hàng giả được các “nhà tuyển dụng” đưa ra thường là 10% đến 20% và giá trị đơn hàng càng lớn thì bạn có hoa hồng càng nhiều.
– Có các yêu cầu chuyển chuyển tiền, trả phí cho các khoản thu trước khi làm nhân viên chính thức như: tiền đặt cọc để đảm bảo trách nhiệm làm việc với Công ty; phí phát hành thẻ nhân viên chính thức,…
4. Áp lực từ nhà tuyển dụng
Nhà tuyển dụng luôn tạo áp lực đến ứng viên là phải hành động NGAY.
Mẫu bài đăng tuyển dụng thường có thời hạn ứng tuyển ngắn và bị hối thúc phải làm, phải nộp hồ sơ, thông tin ngay lập tức để giữ vị trí như “chỉ còn 3 ngày tuyển dụng duy nhất để trở thành cộng tác viên của shopee” hoặc “chỉ còn 5 vị trí trong đợt tuyển 100 cộng tác viên của Sendo”.
Khi trở thành cộng tác viên thanh toán đơn hàng, ứng viên cũng cần thanh toán ngay khi có yêu cầu. Họ không cho nạn nhân có thời gian để nghĩ kỹ càng và khiến nạn nhân phải nhanh chóng liên hệ nhận việc vì sợ lỡ mất cơ hội “tốt”.
5. Phương thức lừa đảo của các “nhà tuyển dụng ma”
– “Người tuyển dụng” chủ động nhắn tin cho người lao động đang muốn tìm việc làm thông qua số điện thoại, facebook, các trang web tuyển dụng.
Khi nạn nhân đã ứng tuyển thì yêu cầu phỏng vẫn online/phỏng vấn tại một trụ sở công ty giả mạo, sau đó các đối tượng yêu cầu nạn nhân phải đóng các khoản phí, tiền đặt cọc để được làm nhân viên chính thức của công ty và hứa sẽ hoàn lại khi làm việc 3 tháng hay khi kết thúc hợp đồng.
Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền hoặc khi phát hiện bị lộ các “nhà tuyển dụng” lập tức khóa các thông tin liên lạc và biến mất.
– Đối với việc tuyển cộng tác viên tạo lượt mua hàng giả thì khi đã trở thành cộng tác viên, đối với các đơn hàng đầu tiên, giá trị nhỏ, việc hoàn tiền và hoa đồng được thực hiện ngay lập tức đúng như cam kết để tạo lòng tin cho nạn nhân.
Tuy nhiên, đối với đơn hàng sau, nạn nhân sẽ được cho thêm yêu cầu. Chẳng hạn:
+ Nhiệm vụ bổ sung: bạn cần thanh toán thêm … đơn, mỗi đơn … lần để nhận được toàn bộ số tiền gốc và hoa hồng của nhiệm vụ lần này.
+ Hoặc, bạn đã hoàn thành nhiệm vụ, nhưng để nhận tiền gốc và hoa hồng, bạn cần hoàn thành nhiệm vụ sau
+ Hoặc, họ đổ lỗi cho bạn! “Nhà tuyển dụng” sẽ trách nạn nhân nhập sai cú pháp, bạn thanh toán nhầm hoặc chậm khiến họ bị thiệt hại. Do đó bạn cần đợi hoặc bạn cần làm tiếp nhiệm vụ khác.
+ Hoặc, lỗi hệ thống dẫn đến họ không thể gửi tiền cho nạn nhân được.
Đến khi nạn nhân đã bị lừa chuyển một khoản tiền đủ lớn hoặc nạn nhân không còn khả năng thanh toán các đơn hàng khác nữa thì những đối tượng đội lốt “nhà tuyển dụng” này sẽ cắt đứt mọi liên lạc với nạn nhân và ôm số tiền lừa được của nạn nhân và biến mất.
6. Tài khoản nạn nhân chuyển tiền đến thường là tài khoản cá nhân
Tài khoản bạn chuyển tiền thường là tài khoản cá nhân, hoặc nhiều tài khoản cá nhân.
Nạn nhân được yêu cầu thanh toán đơn đặt hàng, các khoản phí, khoản đặt cọc thông qua việc chuyển tiền vào một tài khoản cá nhân hoặc nhiều tài khoản cá nhân khác nhau thay vì là tài khoản của tổ chức.
Đồng thời, tên chủ tài khoản khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền qua lại thường không giống với tên của “nhà tuyển dụng”.