Dịch vụ đại diện trong tố tụng

1. Người đại diện trong tố tụng dân sự:

Người đại diện của đương sự tham gia tố tụng dân sự là người thay mặt đương sự thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự trước Tòa án. Và theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, người đại diện trong tố tụng dân sự bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyềm. Họ có thể là cá nhân hoặc pháp nhân theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự cũng chính là người đại diện theo pháp luật trong Bộ luật Dân sự, Theo đó, người đại diện theo pháp luật của cá nhân bao gồm các trường hợp sau, trừ trường hợp người bị hạn chế quyền đại diện theo quy định tại Điều 87 Bộ luật Tố tụng Dân sự:

  • Cha, mẹ đối với con chưa thành niên.
  • Người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định.
  • Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện theo hai trường hợp trên.
  • Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Người đại diện theo pháp luật tham gia tố tụng dân sự được thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong tố tụng dân sự của đương sự trong phạm vi đại diện.

Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự là người đại diện theo ủy quyền được quy định trong Bộ luật Dân sự. Theo đó, người đại diện theo ủy quyền của các nhân bao gồm các trường hợp sau:

  • Cá nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
  • Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, ngoại trừ trường hợp pháp luật quy định các giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện.

Người đại diện theo ủy quyền tham gia tố tụng dân sự thực hiện các quyền và nghĩa vụ dân sự của đương sự trong phạm vi ủy quyền.

Như vậy, người đại diện cho đương sự tham gia tố tụng có vai trò rất lớn, giúp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, nhất là trong trường hợp họ là người bị hạn chế hoặc bị mất năng lực hành vi tố tụng dân sự và làm rõ sự thật về vụ việc dân sự. Tuy  nhiên, để đảm bảo tính khách quan trong quá trình xét xử, Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành có những quy định hạn chế quyền đại diện trong những trường hợp nhất định.

2. Các trường hợp không được làm người đại diện:

Theo quy định tại Điều 87 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, quyền đại diện bị hạn chế trong các trường hợp sau:

  • Nếu người đại diện cùng là đương sự trong cùng một vụ việc với người được đại diện mà quyền và lợi ích hợp pháp của họ đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người đại diện.
  • Nếu người đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền trong tố tụng dân sự cho một đương sự khác mà quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đó đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện trong cùng một vụ việc.
  • Cán bộ, công chức trong các cơ quan Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát, Công an không được làm người đại diện trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp người này tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện cho cơ quan của họ hoặc với tư cách là người đại diện theo pháp luật.

Như vậy, trong trường hợp của bạn, nếu bạn tham gia tố tụng với tư cách người đại diện theo ủy quyền cho cả hai đương sự là nguyên đơn và người có quyền và nghĩa vụ liên quan thì phải không được thuộc các trường hợp không được làm người đại diện nói trên.

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *