Giao dịch dân sự khi nào được xem là quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài?

1. Giao dịch dân sự là gì?

Theo quy định tại Điều 116 Bộ luật dân sự 2015, giao dịch dân sự được định nghĩa như sau: “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.”

2. Năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự của cá nhân trong quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được quy định như thế nào?

Căn cứ theo Điều 674 Bộ Luật dân sự 2015 năng lực pháp luật dân sự của cá nhân được quy định như sau:

“1. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân được xác định theo pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch.

2. Người nước ngoài tại Việt Nam có năng lực pháp luật dân sự như công dân Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam có quy định khác.”

Căn cứ theo điều 673 Bộ Luật dân sự 2015, năng lực hành vi dân sự của cá nhân được quy định như sau:

“1. Năng lực hành vi dân sự của cá nhân được xác định theo pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Trường hợp người nước ngoài xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự tại Việt Nam, năng lực hành vi dân sự của người nước ngoài đó được xác định theo pháp luật Việt Nam.

3. Việc xác định cá nhân bị mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự tại Việt Nam theo pháp luật Việt Nam.”

3. Giao dịch dân sự khi nào được xem là quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài?

Căn cứ theo quy định tại khoản 2, điều 663 Bộ Luật dân sự 2015 như sau:

“2. Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là quan hệ dân sự thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài;

b) Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài;

c) Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài.”

Có thể hiểu, một quan hệ dân sự được coi là có yếu tố nước ngoài khi nó đáp ứng một trong các điều kiện sau:

– Về chủ thể: Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài.

– Về sự kiện pháp lý: Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài.

– Về khách thể: Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài.

Như vậy, theo quy định trên giao dịch dân sự của công dân Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài hoặc đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài thì giao dịch dân sự đó được xem là quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.

4. Xác định pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài như thế nào?

Theo điều 664 Bộ Luật dân sự 2015, việc xác định pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được quy định như sau:

“1. Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam.

2. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam có quy định các bên có quyền lựa chọn thì pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo lựa chọn của các bên.

3. Trường hợp không xác định được pháp luật áp dụng theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đó.”

5. Trường hợp nào không áp dụng pháp luật nước ngoài đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài?

Theo quy định tại điều 670 như sau:

“1. Pháp luật nước ngoài được dẫn chiếu đến không được áp dụng trong trường hợp sau đây:

a) Hậu quả của việc áp dụng pháp luật nước ngoài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam;

b) Nội dung của pháp luật nước ngoài không xác định được mặc dù đã áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật tố tụng.

2. Trường hợp pháp luật nước ngoài không được áp dụng theo quy định tại khoản 1 Điều này thì pháp luật Việt Nam được áp dụng.”

Như vậy, những trường hợp sau đây sẽ không áp dụng pháp luật nước ngoài được dẫn chiếu đến:

– Hậu quả của việc áp dụng pháp luật nước ngoài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam;

– Nội dung của pháp luật nước ngoài không xác định được mặc dù đã áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật tố tụng.

Trong trường hợp pháp luật nước ngoài không được áp dụng theo quy định trên thì pháp luật Việt Nam sẽ được áp dụng.

Mọi thắc mắc hay vấn đề gì để làm sáng tỏ thì hãy liên lạc trực tiếp với tôi theo số ĐT: 0977.934.464 để được tư vấn, hỗ trợ pháp lý cụ thể.

CÔNG TY NGOC SON & PARTNERS – CHI NHÁNH PHÚ GIÁO

Điện thoại: 0903.95.85.88 (Thạc sĩ – Luật sư Lý Ngọc Sơn) – 0977.934.464 (Luật sư Huỳnh Tuấn Đạt)

Địa chỉ: Lầu 1, VPCC Phú Giáo – số 513, tổ 3, khu phố 9, thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *