Người giám định có phải giữ bí mật điều tra khi thực hiện giám định hay không? Người đại diện của bị hại trong vụ án có được làm người giám định không?

1. Người giám định là ai?

Theo khoản 1, điều 68 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, quy định về người giám định thì, người giám định là người có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực cần giám định, được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu, người tham gia tố tụng yêu cầu giám định theo quy định của pháp luật.

2. Quyền và nghĩa vụ của người giám định được quy định như thế nào?

Căn cứ theo quy định tại khoản 2, khoản 3, điều 68 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, người giám định có những quyền và nghĩa vụ sau đây:

1) Quyền của người giám định bao gồm:

– Tìm hiểu tài liệu của vụ án có liên quan đến đối tượng phải giám định;

– Yêu cầu cơ quan trưng cầu, người tham gia tố tụng yêu cầu giám định cung cấp tài liệu cần thiết cho việc kết luận;

– Tham dự vào việc hỏi cung, lấy lời khai và đặt câu hỏi về những vấn đề có liên quan đến đối tượng giám định;

– Từ chối thực hiện giám định trong trường hợp thời gian không đủ để tiến hành giám định, các tài liệu cung cấp không đủ hoặc không có giá trị để kết luận, nội dung yêu cầu giám định vượt quá phạm vi hiểu biết chuyên môn của mình;

– Ghi riêng ý kiến của mình vào bản kết luận chung nếu không thống nhất với kết luận chung trong trường hợp giám định do tập thể giám định tiến hành;

– Các quyền khác theo quy định của Luật giám định tư pháp.

2) Nghĩa vụ của người giám định là:

– Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

– Giữ bí mật điều tra mà mình biết được khi thực hiện giám định;

– Các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật giám định tư pháp.

3. Người đại diện của bị hại có quyền như thế nào?

Theo khoản 2, điều 62 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định về người bị hại, theo đó người đại diện của bị hại có quyền như sau:

– Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định;

– Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

– Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;

– Đề nghị giám định, định giá tài sản theo quy định của pháp luật;

– Được thông báo kết quả điều tra, giải quyết vụ án;

– Đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật;

– Đề nghị hình phạt, mức bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm bồi thường;

– Tham gia phiên tòa; trình bày ý kiến, đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo và người khác tham gia phiên tòa; tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; xem biên bản phiên tòa;

– Tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình;

– Tham gia các hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật này;

– Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa;

– Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án;

– Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

– Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

4. Người giám định có phải giữ bí mật điều tra khi thực hiện giám định hay không? 

Theo điểm b, khoản 3, điều 68 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định về nghĩa vụ của người giám định, theo đó người giám định có nghĩa vụ phải giữ bí mật điều tra mà họ biết được khi thực hiện giám định.

5. Người đại diện của bị hại trong vụ án có được làm người giám định không?

Căn cứ theo khoản 5, điều 68 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, quy định về người giám định như sau

“5. Người giám định phải từ chối tham gia tố tụng hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo;

b) Đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người phiên dịch, người dịch thuật, người định giá tài sản trong vụ án đó;

c) Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó.”

Như vậy, theo quy định nêu trên, nếu người giám định đồng thời là người đại diện của bị hại thì họ phải từ chối tham gia tố tụng hoặc sẽ bị thay đổi. Do đó, người đại diện của bị hại sẽ không được làm người giám định trong vụ án đó. Mọi thắc mắc hay vấn đề gì để làm sáng tỏ thì hãy liên lạc trực tiếp với tôi theo số ĐT: 0977.934.464 để được tư vấn, hỗ trợ pháp lý cụ thể.

CÔNG TY NGOC SON & PARTNERS – CHI NHÁNH PHÚ GIÁO

Điện thoại: 0903.95.85.88 (Thạc sĩ – Luật sư Lý Ngọc Sơn) – 0977.934.464 (Luật sư Huỳnh Tuấn Đạt)

Địa chỉ: Lầu 1, VPCC Phú Giáo – số 513, tổ 3, khu phố 9, thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *