Những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự

Một trong những nhiệm vụ tất yếu của quá trình giải quyết vụ án hình sự là xác định sự thật khách quan của vụ án liên quan tới tội phạm, người phạm tội và các vấn đề liên quan. Tập hợp các vấn đề cần phải xác định này gọi là những vấn đề phải chứng minh của vụ án.

 

Ảnh minh họa.

 

Những vấn đề phải chứng minh được xác định bởi cấu thành tội phạm đang được khởi tố, điều tra truy tố và xét xử, theo bốn yếu tố: khách thể, chủ thể, mặt khách quan, mặt chủ quan, cũng như các vấn đề liên quan cần giải quyết trong vụ án. Chỉ khi chứng minh được các yếu tố này, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng mới có cơ sở để giải quyết vụ án một cách chính xác, khách quan.

Điều luật đã nêu cụ thể các vấn đề cần chứng minh trong vụ án hình sự, bao gồm:

– Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội. Việc chứng minh vấn đề này cho phép khẳng định hành vi phạm tội có xảy ra trên thực tế hay không, các tình tiết liên quan đến hành vi phạm tội như thời gian, địa điểm, diễn biến, công cụ, phương tiện phạm tội…như thế nào. Đây là những dấu hiệu thuộc khách thể và mặt khách quan của tội phạm.

– Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích, động cơ phạm tội. Nếu chứng minh được có hành vi phạm tội xảy đã xảy ra trên thực tế thì câu hỏi tiếp theo là ai đã thực hiện hành vi phạm tội, nghĩa là xác định chủ thể của tội phạm. Tiếp đó, cần chứng minh người thực hiện hành vi phạm tội có lỗi hay không có lỗi, nếu có lỗi thì lỗi vô ý hay cố ý, có năng lực trách nhiệm hình sự hay không. Đây là những yếu tố về chủ thể và mặt chủ quan của tội phạm, có ý nghĩa trong việc xác định người đã thực hiện hành vi có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không.

– Những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo và đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo; tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; nguyên nhân và điều kiện phạm tội. Sau khi xác định được hành vi phạm tội và người phạm tội, cần làm rõ các tình tiết có ý nghĩa khi quyết định hình phạt đối với bị cáo như luật các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 51 và 52 Bộ luật Hình sự; các đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo. Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra là vấn đề cần được chứng minh vì tùy từng vụ án mà đây sẽ là tình tiết có ý nghĩa định tội, khung hình phạt, cân nhắc mức hình phạt và/hoặc nhằm giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án. Việc làm rõ nguyên nhân và điều kiện phạm tội một mặt nhằm cân nhắc xử lý phù hợp với bị cáo, mặt khác giúp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đưa ra những kiến nghị, yêu cầu để loại trừ nguyên nhân và điều kiện phạm tội, phòng ngừa tội phạm.

– Những tình tiết khác liên quan đến việc loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt. Đây là điểm mới được bổ sung trong quy định của điều luật so với Điều 63 BLTTHS năm 2003. Trong việc giải quyết vụ án hình sự, ngoài trường hợp tuyên bố bị cáo phạm tội và áp dụng hình phạt tương ứng còn có những trường hợp bị can, bị cáo được loại trừ trách nhiệm hình sự có thể là sự kiện bất ngờ, tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự, phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết, gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội, rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ, thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên. Các tình tiết liên quan đến việc miễn trách nhiệm hình sự như người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa; người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận; người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được bị hại hoặc người đại diện của bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự. Các tình tiết liên quan tới việc miễn hình phạt như bị cáo có hai tình tiết giảm nhẹ quy định khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự, bị cáo phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể mà đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự.

 

Điều 85. Những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sựKhi điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chứng minh:

1. Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội;

2. Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích, động cơ phạm tội;

3. Những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo và đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo;

4. Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra;

5. Nguyên nhân và điều kiện phạm tội;

6. Những tình tiết khác liên quan đến việc loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt.

Theo cổng thông tin điện tử công an tỉnh Quảng Bình

Theo dõi, cập nhật thông tin pháp luật, tìm hiểu thêm về dịch vụ của chúng tôi:

  1. Tiktok: Nhấn vào đây
  2. Youtobe: Nhấn vào đây
  3. Facebook: Nhấn vào đây
  4. Zalo: 0869.642.643

Xem thêm dịch vụ luật sư tranh tụng của chúng tôi (Nhấn vào đây)

Đánh giá post

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *