Thù lao công chứng là gì? Quy định về mức thù lao công chứng ?

1. Thù lao công chứng là gì?

– Thứ nhất, thù lao công chứng là căn cứ để xác định hành vi trái pháp luật, theo đó, một trong các hành vi mà công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng bị nghiêm cấm là “Nhận, đòi hỏi tiền hoặc lợi ích khác từ người yêu cầu công chứng ngoài phí công chứng, thù lao công chứng và chi phí khác đã được xác định…“.(Điểm đ, Khoản 1, Điều 7).

– Thứ hai, thù lao công chứng là nguồn thu để văn phòng công chứng tự chủ tài chính, điều này được ghi nhận tại Khoản 4, Điều 22, Luật Công chứng: “Văn phòng công chứng có con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính bằng nguồn thu từ phí công chứng, thù lao công chứng và các nguồn thu hợp pháp khác.

– Thứ ba, thu thù lao công chứng là quyền của tổ chức hành nghề công chứng (Khoản 2, Điều 32) và niêm yết thù lao công chứng tại trụ sở của tổ chức là nghĩa vụ của tổ chức hành nghề công chứng (Khoản 4, Điều 33).

Như vậy, có thể thấy, thù lao công chứng là cụm thuật ngữ pháp lý xuất hiện thường xuyên trong Luật Công chứng, tuy nhiên, nó lại không được đưa ra bất kỳ định nghĩa chính thức nào, điều này dẫn đến những khó khăn trong việc nhận diện và xác định đâu là khoản thù lao công chứng.

Dựa trên quy định tại Khoản 1, Điều 67 Luật Công chứng, có thể hiểu: Thù lao công chứng là khoản tiền mà người yêu cầu công chứng phải trả khi yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng thực hiện việc soạn thảo hợp đồng, giao dịch, đánh máy, sao chụp, dịch giấy tờ, văn bản và các việc khác liên quan đến việc công chứng.

Bản chất của thù lao công chứng là khoản tiền do người yêu cầu công chứng bỏ ra để “mua sức lao động” của công chứng viên, người lao động trong tổ chức công chứng, thực tế, các hoạt động để thu thù lao công chứng có thể không cần là công chứng viên, người có nghiệp vụ như đánh máy, sao chụp, dịch giấy tờ, văn bản. Điều này khiến cho thù lao công chứng và phí công chứng là hai nội dung hoàn toàn tách biệt và không đồng nhất với nhau, nhưng thường lại đi cùng nhau trong cùng một sự kiện mà người yêu cầu công chứng cần.

Do có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người yêu cầu công chứng, do đó, tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm giải thích rõ cho người yêu cầu công chứng về thù lao công chứng.

2. Quy định về mức thù lao công chứng:

Quy định về mức thù lao công chứng nói chung được ghi nhận tại Khoản 2, Điều 67 Luật Công chứng, tuy nhiên, quy định này chỉ mang tính chất nguyên tắc mà không thể hiện một giá trị cụ thể nào về mức thù lao công chứng, theo đó: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành mức trần thù lao công chứng áp dụng đối với các tổ chức hành nghề công chứng tại địa phương. Tổ chức hành nghề công chứng xác định mức thù lao đối với từng loại việc không vượt quá mức trần thù lao công chứng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành và niêm yết công khai các mức thù lao tại trụ sở của mình. Tổ chức hành nghề công chứng thu thù lao cao hơn mức trần thù lao và mức thù lao đã niêm yết thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.” Nội dung quy định này được tác giả chứng minh như sau:

– Thứ nhất, mức thù lao công chứng do tổ chức hành nghề công chứng tự do xác định dựa trên mức trần do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành. Điều đó sẽ dẫn đến việc mức thù lao công chứng giữa các tổ chức hành nghề công chứng có thể khác nhau và mức trần thù lao công chứng giữa các tỉnh cũng có thể khác nhau. Ví dụ:

Ví dụ 1: Trong Quyết định số 05/2021/QĐ-UBND quy định mức trần thù lao công chứng trên địa bàn thành phố Hải Phòng, mức trần thù lao công chứng được quy định như sau:

– Thù lao soạn thảo hợp đồng, giao dịch: 1.000.000 đồng/ trường hợp.

– Thù lao đánh máy (đã bao gồm việc in ấn): 20.000 đồng/trang A4.

–  Thù lao sao chụp giấy tờ, văn bản: 5.000 đồng/trang A4.

– Thù lao dịch giấy tờ, văn bản:

+ Dịch từ tiếng nước ngoài sang Tiếng Việt: Tiếng Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản: 200.000 đồng/trang A4; tiếng nước khác: 300.000 đồng/trang A4.

+ Dịch từ Tiếng Việt sang tiếng nước ngoài: Tiếng Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản: 250.000 đồng/trang A4; Tiếng nước khác: 350.000 đồng/trang A4.

+ Trường hợp yêu cầu cung cấp thêm bản dịch thứ hai: 10.000 đồng/trang a4 nhưng không quá 100.000 đồng/bản dịch.

Mức trần thù lao công chứng quy định trên đây chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Ví dụ 2: Theo Quyết định 10/2016/QĐ-UBND về mức trần thù lao công chứng, thù lao dịch thuật tại các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn thành phố Hà Nội, mức trần thù lao công chứng được quy định như sau:

– Thù lao soạn thảo văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản thừa kế: 1.200.000 đồng.

– Thù lao soạn thảo hợp đồng, giao dịch: Các hợp đồng chuyển dịch nhà, đất: mua bán, tặng cho, chia tách, chuyển đổi; Các hợp đồng: thế chấp, cầm cố, bảo lãnh, góp vốn; Các hợp đồng: thuê, mượn nhà, đất…: 1.000.000 đồng; Giấy cam đoan; Giấy ủy quyền: 700.000 đồng.

– Thù lao dịch thuật (trang A4/350 từ):

+ Từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt Nam: Các tiếng: Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản (120.000đ/trang); Các thứ tiếng nước ngoài khác (Cao nhất không quá 30% so với các thứ tiếng trên).

+ Từ tiếng Việt Nam sang tiếng nước ngoài: Các tiếng: Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản (150.000đ/trang); Các thứ tiếng nước ngoài khác (Cao nhất không quá 30% so với các thứ tiếng trên).

Việc trao quyền xác định mức thù lao cho tổ chức hành nghề công chứng vừa tạo sự linh hoạt, giúp tổ chức hành nghề công chứng xác định hợp lý mức thù lao nhằm tạo nguồn thu cho tổ chức, nhưng việc áp dụng mức trần là cách để nhà nước quản lý hoạt động dịch vụ thu phí đảm bảo quyền lợi cho người yêu cầu công chứng trước thực tiễn phát triển mạnh mẽ của loại hình này.

Thứ hai, mức trần là mức cao nhất, giới hạn việc xác định thù lao công chứng của các tổ chức hành nghề công chứng, do đó, việc xác định thù lao công chứng vượt quá mức trần thù lao và tiến hành thu trong thực tế vượt quá mức trần và mức thù lao đã niêm yết sẽ khiến tổ chức hành nghề công chứng phải gánh chịu hậu quả pháp lý là bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điểm đ, Khoản 2, Điều 16 Nghị định 82/2020/NĐ-CP với hình thức xử phạt là “Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng”.

Thứ ba, tổ chức hành nghề công chứng phải niêm yết công khai mức thù lao công chứng tại trụ sở của tổ chức mình. Đây là nghĩa vụ của tổ chức hành nghề công chứng đã được chứng minh ở Mục 1, chính vì là nghĩa vụ, do đó, nếu không thực hiện, tổ chức hành nghề công chứng có thể bị xử lý vi phạm hành chính, theo đó, tại Điểm a, Khoản 1, Điều 16 Nghị định 82/2020/NĐ-CP có quy định rằng:

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không niêm yết hoặc niêm yết không đầy đủ lịch làm việc; thủ tục công chứng; nội quy tiếp người yêu cầu công chứng; phí công chứng, thù lao công chứng, chi phí khác; danh sách cộng tác viên phiên dịch tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng;…

Ngoài ra, tổ chức hành nghề công chứng còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp: “Nhận, đòi hỏi tiền hoặc lợi ích khác từ người yêu cầu công chứng ngoài phí công chứng theo quy định, thù lao công chứng đã xác định và chi phí khác đã thỏa thuận” (Điểm d, Khoản 3, Điều 15, Nghị định 82/2020/NĐ-CP) với hình thức phạt tiền tư  7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Nhìn chung, quy định của pháp luật về mức thù lao công chứng mang tính linh hoạt, tức là Luật Công chứng chỉ quy định mang tính chất khung, các quy định khác do Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh mình để đưa ra mức trần phù hợp nhất, mức trần đó phải được xem xét kỹ lưỡng, vừa bảo vệ quyền lợi cho người yêu cầu công chứng, vừa đảm bảo quyền lợi cho tổ chức hành nghề công chứng. Bên cạnh đó, bằng việc trao quyền cho phép tự cho phép xác định mức thù lao công chứng, pháp luật đã có sự mở rộng và xem xét tổ chức hành nghề công chức là một tổ chức “dịch vụ” bỏ sức lao động và xứng đáng được hưởng thù lao mà họ cho rằng đủ để đáp ứng yêu cầu cơ bản của tổ chức.

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *