LHS năm 2015 quy định những điểm mới trong chế định phòng vệ chính đáng và những dấu hiệu pháp lý của chế định phòng vệ chính đáng.
1. Những điểm mới trong chế định phòng vệ chính đáng quy định trong BLHS năm 2015.
Về nội dung cơ bản quy định phòng vệ chính đáng trong Điều 22 BLHS năm 2015 giống với nội dung quy định phòng vệ chính đáng tại Điều 15 BLHS năm 1999 nhưng có một số điểm mới được bổ sung như sau:
Thứ nhất, BLHS năm 2015 đã đặt việc bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, của người khác lên trước lợi ích của nhà nước, tổ chức. Điều này phù hợp với tinh thần đề cao quyền tự do của cá nhân con người, bảo vệ quyền con người theo Hiến pháp năm 2013. Đồng thời cũng phù hợp với thực tế xảy ra trong thời gian qua khi áp dụng BLHS năm 1999, cho thấy các trường hợp phòng vệ chính đáng hoặc vụ án về vượt quá giới hạn chính đáng chủ yếu xuất phát từ việc bảo vệ lợi ích cá nhân hoặc lợi ích của người thân bị xâm phạm, từ đó mới có hành động phòng vệ chính đáng.
Thứ hai, BLHS năm 1999 chỉ quy định: “bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức” và “người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự” thì BLHS năm 2015 đã thêm cụm từ bảo vệ lợi ích: “của cơ quan” và trách nhiệm hình sự của người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng được nêu thêm cụm từ: “theo quy định của Bộ luật nà”. Như vậy, quy định mới trong BLHS năm 2015 đã làm rõ thêm nội dung các lợi ích bảo vệ do hành vi phòng vệ chính đáng và phạm vi trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.
2. Những dấu hiệu pháp lý của chế định phòng vệ chính đáng
Về dấu hiệu của trường hợp phòng vệ chính đáng, về mặt khoa học cần có các nội dung sau đây:
– Cơ sở phát sinh quyền phòng vệ chính đáng
Một người vì lợi ích chính đáng của mình hay của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước…được quyền hành động khi nguồn nguy hiểm do con người đã và đang gây thiệt hại cho các lợi ích hợp pháp. Các nguồn nguy hiểm khác như gây hại của thú dữ, của súc vật, của thiên nhiên…không coi là cơ sở làm phát sinh quyền phòng vệ chính đáng.
Quyền phòng vệ chính đáng chỉ phát sinh khi hành vi tấn công trái pháp luật gây thiệt hại đến các lợi ích đang hiện hữu xảy ra và chưa có dấu hiệu dừng lại. Nếu hành vi tấn công xâm hại đã dừng lại trên thực tế thì quyền phòng vệ không còn, bởi gây thiệt hại cho người đã có hành vi tấn công trái pháp luật ở thời điểm này là không cần thiết, không phù hợp với mục đích của phòng vệ chính đáng.
Trường hợp đặc biệt khi hành vi tấn công trái pháp luật tuy chưa xảy ra nhưng chứa đựng nguy cơ xảy ra ngay tức khắc đe dọa các quyền và lợi ích hợp pháp cần bảo vệ cũng làm phát sinh quyền phòng vệ chính đáng. Điều này xuất phát từ mục đích của chế định phòng vệ chính đáng nhằm bảo vệ và ngăn chặn một cách kịp thời có hiệu quả hành vi xâm phạm trái pháp luật, đồng thời, tạo nên sự chủ động cho người phòng vệ nhằm ngăn chặn hành vi xâm hại.
Hành vi tấn công trái pháp luật có thể gây thiệt hại đến các quyền về nhân thân, quyền sở hữu hay các lợi ích khác của người phòng vệ hay của người khác…Và hành vi tấn công trái pháp luật phải có mức độ nguy hiểm đáng kể mới làm phát sinh quyền phòng vệ chính đáng. Những hành vi xâm hại có tính nhỏ nhặt thì không làm phát sinh quyền phòng vệ chính đáng.
Hành vi tấn công trái pháp luật có thể là hành vi tội phạm nhưng cũng có thể không đủ dấu hiệu là tội phạm. Ví dụ như sự tấn công của người tâm thần, mất trí đang đâm chém người khác.v..v…
Biện pháp chống trả của người phòng vệ đối với người đang có hành vi gây thiệt hại, pháp luật cho phép chống trả trong mọi trường hợp mà không buộc người phòng vệ phải lựa chọn biện pháp phòng vệ nhẹ nhàng nhất và cũng không phải chỉ khi không còn biện pháp nào khác mới được quyền phòng vệ. Song đối với hành vi gây thiệt hại của trẻ em, người tâm thần, thì xuất phát từ nguyên tắc nhân đạo mà thực tiễn xét xử chỉ thừa nhận hành vi gây thiệt hại cho các đối tượng này là hành vi phòng vệ chính đáng khi không còn biện pháp nào khác buộc phải gây thiệt hại cho các đối tượng nêu trên. Ví dụ, người tâm thần đang cầm bó đuốc chạy vào kho xăng dầu của Quân Đội, do tính cấp bách, do không thể còn biện pháp khác thì những người nhìn thấy hiện tượng trên đã dùng vũ lực ngăn chặn nguồn nguy hại nên gây thương tích nặng cho người tâm thần. Hành vi ngăn chặn này được coi là hành vi phòng vệ chính đáng.
– Nội dung và phạm vi của quyền phòng vệ chính đáng
+ Nội dung của quyền phòng vệ chính đáng:
Hành vi phòng vệ chính đáng chỉ được pháp gây thiệt hại cho chính người đang có hành vi xâm hại các lợi ích hợp pháp. Thiệt hại này có thể là tính mạng, sức khỏe, tài sản của người đang thực hiện hành vi tấn công xâm hại. Thiệt hại về tài sản có thể là thiệt hại về công cụ, phương tiện mà người có hành xâm hại sử dụng.
Hành vi phòng vệ không được phép gây thiệt hại cho người thứ 3. Bởi một trong các mục đích của phòng vệ chính đáng là ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả hành vi đang gây thiệt hại cho các lợi ích hợp pháp, cho nên người phòng vệ phải ngăn chặn chính nguồn nguy hiểm, chính người đang có hành vi xâm hại. Nếu gây hại cho người khác thì không đạt được mục đích này.
+ Phạm vi của quyền phòng vệ chính đáng:
Là người phòng vệ chỉ được quyền gây thiệt hại cho người có hành vi tấn công trái pháp luật trong giới hạn cần thiết. Gây thiệt hại trong giới hạn cần thiết thì không bị coi là tội phạm. Giới hạn “cần thiết” được hiểu là biện pháp phòng vệ nói chung đủ mức ngăn chặn sự tấn công và bảo vệ được các lợi ích hợp pháp. Giới hạn cần thiết không có nghĩa là hậu quả mà người phòng vệ đã gây ra phải bằng hay tương đương với thiệt hại mà người có hành vi tấn công trái pháp luật định gây ra. Trong lý luận và thực tiễn áp dụng, hậu quả mà người phòng vệ gây ra có thể lớn hơn nhiều lần hậu quả mà người có hành vi xâm hại định gây ra vẫn được coi là phòng vệ chính đáng nếu đánh giá hành vi phòng vệ là cần thiết đủ mạnh để ngăn chặn sự tấn công của pháp luật.
Cơ sở để đánh giá hành vi phòng vệ trong giới hạn cần thiết hay vượt quá giới hạn cần thiết phải đánh giá tổng hợp qua nhiều căn cứ, cơ sở khác nhau, mà trước hết cần xem xét đến tính chất tầm quan trọng của quan hệ xã hội bị gây thiệt hại, tính chất, mức độ nguy hiểm mà hành vi tấn công xâm hại (đánh giá thông qua loại công cụ, phương tiện, biện pháp tấn công…), hậu quả nguy hiểm mà hành vi tấn công có khả năng gây ra…Về phía người phòng vệ; người phòng vệ đã sử dụng công cụ phương tiện, cách thức phòng vệ như thế nào; tương quan lực lượng giữa bên phòng vệ và những người có hành vi tấn công trái pháp luật.v..v….
Việc đánh giá “giới hạn cần thiết” trong phòng vệ chính đáng chỉ là tương đối. Vì vậy, nếu gây thiệt hại rõ ràng vượt quá giới hạn cần thiết thì người phòng vệ vượt quá phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng được giảm nhẹ TNHS. Những trường hợp người có hành vi phòng vệ vượt quá không rõ ràng thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Theo cổng thông tin điện tử công an tỉnh Quảng Bình
Theo dõi, cập nhật thông tin pháp luật, tìm hiểu thêm về dịch vụ của chúng tôi:
- Tiktok: Nhấn vào đây
- Youtobe: Nhấn vào đây
- Facebook: Nhấn vào đây
- Zalo: 0869.642.643
Xem thêm dịch vụ luật sư tranh tụng của chúng tôi (Nhấn vào đây)