1. Các trường hợp được xem xét hoãn thi hành án dân sự
Căn cứ theo quy định tại khoản 21 Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014 quy định về các trường hợp được Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án trong các trường hợp sau đây:
– Người phải thi hành án bị ốm nặng, có xác nhận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên; bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quyết định của Tòa án;
– Chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án hoặc vì lý do chính đáng khác mà người phải thi hành án không thể tự mình thực hiện nghĩa vụ theo bản án, quyết định;
– Đương sự đồng ý hoãn thi hành án; việc đồng ý hoãn thi hành án phải lập thành văn bản ghi rõ thời hạn hoãn, có chữ ký của đương sự; trong thời gian hoãn thi hành án thì người phải thi hành án không phải chịu lãi suất chậm thi hành án, trừ trường hợp đương sự có thỏa thuận khác;
– Tài sản để thi hành án đã được Tòa án thụ lý để giải quyết theo quy định tại Điều 74 (quy định về xác định, phân chia, xử lý tài sản chung để thi hành án) và Điều 75 (quy định về giải quyết tranh chấp, yêu cầu hủy giấy tờ, giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án) Luật Thi hành án dân sự 2008; tài sản được kê biên theo Điều 90 (quy định về kê biên, xử lý tài sản đang cầm cố, thế chấp) Luật Thi hành án dân sự 2008 nhưng sau khi giảm giá theo quy định mà giá trị bằng hoặc thấp hơn chi phí và nghĩa vụ được bảo đảm;
– Việc thi hành án đang trong thời hạn cơ quan có thẩm quyền giải thích bản án, quyết định và trả lời kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 170 và khoản 2 Điều 179 Luật Thi hành án dân sự 2008;
– Người được nhận tài sản, người được giao nuôi dưỡng đã được thông báo hợp lệ 02 lần về việc nhận tài sản, nhận người được nuôi dưỡng nhưng không đến nhận;
– Việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án theo quy định tại Điều 54 Luật Thi hành án dân sự 2008 chưa thực hiện được vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan;
– Tài sản kê biên không bán được mà người được thi hành án không nhận để thi hành án theo quy định tại khoản 3 Điều 104 (quy định về xử lý tài sản không có người tham gia đấu giá, bán đấu giá không thành) Luật Thi hành án dân sự 2008.
Lưu ý:
– Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chỉ ra quyết định hoãn thi hành án theo quy định tại mục (1) và (2) trong trường hợp người phải thi hành án phải tự mình thực hiện nghĩa vụ theo bản án, quyết định.
– Trường hợp đương sự có tài sản khác ngoài trường hợp quy định tại mục (4) thì cơ quan thi hành án dân sự xử lý tài sản đó để thi hành án.
2. Đang xem xét kháng nghị giám đốc thẩm có được hoãn THADS
Khi bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật nhưng bên có nghĩa vụ không tự nguyện thực hiện thì người được thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thi hành án dân sự và thi hành bản án này.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định hoãn thi hành án. Một trong những trường hợp đó là cơ quan thi hành án nhận được văn bản yêu cầu hoãn thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
Cụ thể, tại khoản 2 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định của toà án chỉ được yêu cầu hoãn thi hành án một lần để xem xét kháng nghị nhằm tránh hậu quả không thể khắc phục được.
Thời hạn hoãn thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định là không quá 3 tháng, kể từ ngày ra văn bản yêu cầu hoãn thi hành án. Trong thời gian hoãn thi hành án thì người phải thi hành án không phải chịu lãi suất chậm thi hành án.
Quy định này xuất phát từ việc, nếu bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm sẽ dẫn đến khả năng có thể bị hủy hoặc bị sửa. Lúc này, nếu việc thi hành án đã được thực hiện xong, việc khôi phục hiện trạng ban đầu sẽ là rất khó khăn và tốn kém thời gian, chi phí.
Tuy nhiên, hiện nay các quy định pháp luật về thi hành án chưa có hướng dẫn cụ thể cho những trường hợp nào có thể phát sinh “hậu quả không thể khắc phục được”, mà phụ thuộc vào nhận định chủ quan của những người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.
3. Theo dõi, cập nhật thông tin pháp luật, tìm hiểu thêm về dịch vụ của chúng tôi:
- Xem thêm các bài viết về dân sự: Nhấn vào đây
- Tiktok: Nhấn vào đây
- Youtobe: Nhấn vào đây
- Facebook: Nhấn vào đây
- Zalo: 0869.642.643