1. Tài sản chung của vợ chồng bao gồm những gì?
Căn cứ Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định tài sản chung của vợ chồng bao gồm:
– Tài sản do vợ chồng tạo ra, thu nhập của vợ chồng do lao động, sản xuất, kinh doanh.
– Hoa lợi phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng là sản vật tự nhiên mà vợ, chồng có được từ tài sản riêng của mình.
– Lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng là khoản lợi mà vợ, chồng thu được từ việc khai thác tài sản riêng của mình.
– Thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân.
– Khoản tiền thưởng, tiền trúng thưởng xổ số, tiền trợ cấp.
– Quyền tài sản với vật vô chủ, vật bị chôn giấu, chìm đắm, đánh rơi, bỏ quên, gia súc, gia cầm bị thất lạc… mà do vợ, chồng xác lập chung…
Theo quy định của pháp luật, đối với tài sản chung của vợ chồng thì vợ chồng hoàn toàn có quyền định đoạt cũng như chiếm hữu và sử dụng trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên.
Trường hợp hai vợ chồng không có thỏa thuận nào khác thì tài sản chung này sẽ thuộc quyền sở hữu chung hợp nhất và các tài sản chung này sẽ được dùng để phục vụ mục đích phục vụ nhu cầu của cả gia đình.
2. Lập di chúc với tài sản chung của vợ chồng như thế nào?
Như mục 1 đã phân tích, tài sản chung của vợ chồng thuộc quyền định đoạt chung của vợ chồng. Do đó, trường hợp vợ chồng có nhu cầu muốn để lại di chúc cho khối tài sản chung của vợ chồng phải có sự thỏa thuận của vợ chồng; vợ hoặc chồng không thể tự ý một mình định đoạt để lại di chúc cho toàn bộ khối tài sản chung đó.
Việc lập di chúc đối với tài sản chung của vợ chồng sẽ được thực hiện trên 02 trường hợp sau:
2.1. Lập di chúc chung của vợ chồng định đoạt khối tài sản chung:
Trước đây theo Bộ luật dân sự năm 2005 quy định điều khoản về lập di chúc chung của vợ chồng. Tuy nhiên hiện nay theo Bộ luật dân sự năm 2015 đã bãi bỏ quy định lập di chúc chung của vợ chồng đó. Nhưng trong quy định vẫn không cấm việc vợ chồng lập di chúc chung của vợ chồng.
Chính vì vậy muốn định đoạt tài sản chung của vợ chồng thì hai vợ chồng có thể lựa chọn hình thức lập di chung.
Một điểm hạn chế của việc lập di chúc chung đó là nhiều người hiểu rằng khi một người vợ hoặc chồng mất thì khai nhận di sản thừa kế toàn bộ khối tài sản chung đó được. Nhưng thực tế, về bản chất người thừa kế chỉ được hưởng di sản theo di chúc nếu người lập di chúc chết. Do đó, nếu như lập di chúc chung của vợ chồng thì chỉ khi nào cả hai vợ chồng mất, di chúc đó mới phát sinh hiệu lực và những người được hưởng di sản thừa kế trong di chúc mới thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế.
2.2. Vợ chồng thỏa thuận phân chia tài sản chung và để lại di chúc đối với tài sản riêng của mình:
Theo quy định một người có thể lập di chúc để lại tài sản riêng của mình hoặc phần tài sản của chính mình trong khối tài sản chung vợ chồng.
Muốn để lại di chúc trong trường hợp này thì vợ chồng trước hết phải phân định rõ ràng tài sản riêng của từng người (có thể lập thỏa thuận về chế độ tài sản chung của vợ chồng).
Tiếp theo, mỗi người vợ hoặc chồng sẽ lập di chúc định đoạt đối với phần tài sản của mình.
3. Điều kiện để di chúc hợp pháp:
Điều kiện của một di chúc hợp pháp được quy định như sau:
– Người lập di chúc: đảm bảo phải trong tinh thần minh mẫn, sáng suốt khi lập di chúc.
– Đảm bảo việc lập di chúc không bị lừa dối, đe dọa hay bị cưỡng ép.
– Nội dung của di chúc: đảm bảo không vi phạm những điều cấm của pháp luật, không trái với đạo đức xã hội.
– Hình thức của di chúc: đảm bảo không trái với quy định của pháp luật.
Lưu ý với những trường hợp đặc biệt sau:
– Đối tượng là người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi lập di chúc: phải lập thành văn bản, đồng thời được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.
– Đối tượng là người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ lập di chúc phải đảm bảo lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực.
– Di chúc để lại bằng miệng hợp pháp phải đáp ứng:
+ Thể hiện ý chí cuối cùng trước sự chứng kiến của ít nhất là hai người làm chứng.
+ Sau khi người để lại di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng phải thực hiện ghi chép lại sau đó ký tên, điểm chỉ.
+ Văn bản ghi nhận lại phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng trong thời hạn là 05 ngày làm việc.
(căn cứ Khoản 1 Điều 630 Bộ luật dân sự năm 2015)